Trà gừng từ lâu vẫn thường được xem là một loại thức uống có nhiều tác dụng tốt như cải thiện khả năng lưu thông máu, làm ấm cơ thể. Nhiều người cho rằng, những trường hợp tụt huyết áp ở người lớn nên dùng trà gừng thường xuyên sẽ thấy rất hiệu quả. Vậy, điều này thực sự chính xác? Người lớn bị tụt huyết áp có nên uống trà gừng?
Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch. Khi huyết áp tụt đồng nghĩa với việc lưu lượng máu giảm dẫn tới không cung cấp đủ máu để các cơ quan hoạt động bình thường. Điều này dẫn tới tình trạng hoa mắt, chóng mặt, cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Tuy nhiên, huyết áp thấp, tụt huyết áp có thể được cải thiện thông qua việc sử dụng hợp lý một số loại đồ ăn, thức uống.
Người lớn bị tụt huyết áp có nên uống trà gừng không?
Trong số các loại thức uống được khuyên dùng để hỗ trợ cải thiện tình trạng tụt huyết áp ở người lớn tuổi không thể không nhắc tới trà gừng. Với khả năng làm ấm cơ thể, kích thích tăng nhịp tim nên trà gừng khá hiệu quả trong việc giúp tăng huyết áp. Những triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, choáng váng.. sẽ thấy suy giảm rõ rệt khi sử dụng trà gừng.
Tuy nhiên, sử dụng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm nào quá nhiều đều có thể dẫn tới những tác dụng không mong muốn. Do đó, người lớn bị tụt huyết áp nếu uống quá nhiều trà gừng có thể gây ra những hiện tượng sau:
- Gây nóng trong người: Do tính ấm của gừng mà nếu sử dụng quá nhiều, đặc biệt là những đối tượng có cơ địa nội nhiệt sẽ dễ dẫn đến tình trạng nóng trong người và một số biểu hiện như nổi mụn nhọt, ợ nóng, nhiệt miệng…
- Gây chảy máu trong: Đối với những trường hợp bị viêm loét dạ dày, tá tràng, sử dụng quá nhiều trà gừng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
- Ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Khi mang thai mà không may gặp phải tình trạng huyết áp thấp, chị em nên lưu ý tới việc sử dụng trà gừng. Bởi hoạt chất gingerol trong gừng gây mỏng mạch máu và có thể góp phần gây ra hiện tượng máu đóng cục không tốt cho thai phụ. Nếu muốn, chỉ nên dùng không quá 4 ngày với liều lượng thích hợp.
Ngoài ra, uống trà gừng trong khi đang dùng một số loại thuốc như: thuốc chống đông máu (aspirin, clopidogrel, heparin), thuốc điều trị tiểu đường (glimepiride, glyburide, insulin, metformin,), thuốc kháng khuẩn, kháng virus,…đều có gây ra những tác dụng có hại. Do vậy, những người lớn ngoài tụt huyết áp nếu mắc phải một số bệnh như tiểu đường thì không nên sử dụng trà gừng.
Ngoài sử dụng trà gừng, những trường hợp tụt huyết áp ở người lớn có thể sử dụng một số loại thực phẩm khác như socola, rau cần tây…và chú ý uống nhiều nước, hạn chế các chất kích thích và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Tuyệt đối không bỏ bữa, nhịn ăn và nên cố gắng duy trì tinh thần thoái mái, tránh làm việc căng thẳng.
Khi bị tụt huyết áp người bệnh cần xử lý thế nào?
Khi người bệnh bị tụt huyết áp tuỳ vào vị trí, hãy nhanh chóng để người bệnh ngồi ở nơi thoáng mát hoặc đặt người bệnh nằm trên giường, đầu hơi thấp, nâng cao hai chân. Nếu có dụng cụ đo huyết áp, hãy đo huyết áp hiện tại của người bệnh để có phương pháp xử lý thích hợp.
Có thể sơ cứu, bấm huyệt , dùng thuốc hỗ trợ đo huyết áp để hỗ trợ người bệnh ( có thể dùng trà gừng). Sau đó có thể đưa người bệnh đi thăm khám ở bệnh viện.
Như vậy, sử dụng gừng có thể cải thiện tình trạng tụt huyết áp ở người lớn. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời và sau khi ngưng sử dụng thì rất có thể những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt… sẽ quay trở lại. Bên cạnh đó, việc uống trà gừng cũng cần rất chú ý nếu như người bệnh đang mang thai hoặc có mắc một số bệnh lý nào khác. Tốt hơn hết, với những trường hợp bị tụt huyết áp, không nên ỷ lại vào việc sử dụng trà gừng mà nên thăm khám và thông qua sự hỗ trợ của bác sĩ đều có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Xem thêm: Công dụng của trà gừng với sức khỏe