Hóc hoặc bị sặc là tình trạng nghẹt thở do thức ăn hay đồ vật bị kẹt ở đường hô hấp. Nguyên nhân chính của vấn đề này thường là khi bạn cho trẻ ăn lúc đang khóc, trẻ vừa ăn vừa cười đùa hoặc cho trẻ chơi những đồ vật mà trẻ có thể cho vào miệng. Khi trẻ bị hóc sặc các bậc trẻ mẹ thường rất lúng túng và không biết xử trí như thế nào, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Do đó hãy cùng chúng tôi xem qua một vài bí quyết dưới đây để có thể đối phó nếu chẳng may trẻ nhà bạn bị hóc hoặc sặc thức ăn nhé.
I. Biện pháp phòng tránh
– Không nên ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc. Nhiều bậc phụ huynh chỉ vì trẻ biếng ăn mà ép trẻ ăn mặc dù trẻ đang quấy khóc. Trong lúc này các bậc phụ huynh không nên ép trẻ ăn hãy chờ một lúc sau khi trẻ hết khóc thì hãy cho trẻ ăn lại.
– Không cho trẻ chơi một mình hoặc cầm những vật dụng trẻ dễ đút vào miệng như quả bóng nhỏ, thức ăn như quả nho, hạt trái cây v.v hoặc các đồ vật đồ chơi có tính sắc nhọn.
– Trong lúc cho trẻ ăn các bậc phụ huynh cũng không nên nô đùa với trẻ qua nhiều. Điều này khiến trẻ không tập trung vào bữa ăn và đôi khi nếu trò đùa của phụ huynh khiến trẻ cười lớn trong bữa ăn sẽ khiến trẻ rất dễ bị sặc thức ăn và bị hóc.
II. Cách xử lý khi trẻ bị hóc hoặc sặc
– Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: Bạn đặt đầu trẻ nằm thấp úp mặt trên cánh tay. Dùng bàn tay kia vỗ 5 cái mạnh liên tục và nhanh vào lưng giữa 2 vai bé. Nếu vỗ lưng mà vẫn không có hiệu quả bạn lật ngửa trẻ lên. Đặt 2 ngón tay trên nửa dưới của xương ức ấn ngực 5 lần. Có thể thực hiện từ 5-10 lần thủ thuật này.
– Đối với trẻ lớn còn tỉnh: Bạn đứng phía sau hoặc quỳ tựa gối vào lưng trẻ, vòng 2 tay ngang thắt lưng, sau đó đặt 1 nắm tay giữa bụng ngay dưới xương ức, bàn tay còn lại đặt chồng lên. Sau đó kéo thật mạnh, hướng vào trong và lên trên để tạo một sức ép lên bụng, làm động tác này 5 lần.
– Trẻ lớn hôn mê: Bạn đặt trẻ nằm ngửa, sau đó quỳ gối, đặt 2 bàn tay chồng lên nhau vùng dưới xương ức trẻ, ấn mạnh thật nhanh khoảng 5 lần hướng vào trong và lên trên.