Hen phế quản hay còn gọi là bệnh suyễn, là bệnh ở đường hô hấp, gây co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy làm cho bệnh nhân khó thở. Nguyên nhân của căn bệnh này do nhiều yếu tố gây nên, đặc biệt là yếu tố cơ địa và yếu tố môi trường làm thúc đẩy sự phát triển bệnh hen.Vậy phải làm thế nào để phòng ngừa và điều trị bệnh hen một cách hiệu quả. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân:
– Hen phế quản có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và thường bắt đầu khi trẻ từ 2 – 10 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ có bố, mẹ bị hen phế quản cao hơn nhiều so với trẻ không có bố, mẹ mắc bệnh. Nếu cả bố mẹ đều bị hen thì đến 60% con của họ cũng sẽ bị hen.
– Cơn hen thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết trong những đợt chuyển mùa, hay do hít phải bụi, hơi khói của bếp than, thuốc lá, lông động vật, phấn hoa hoặc khi trẻ gắng sức như chạy, đùa nghịch,… Có những trường hợp cơn hen xuất hiện sau khi trẻ ăn một số thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá biển, trứng, sữa,đồ hải sản…
Triệu chứng:
– Hen phế quản thường bị ho dai dẳng, đặc biệt nặng hơn khi về đêm, thở khò khè, nặng ngực ở trẻ lớn. Còn ở trẻ nhỏ, nhiều khi tình trạng co thắt phế quản chỉ biểu hiện duy nhất bằng những cơn ho giống như ho gà đôi khi giữa cơn ho có tiếng rít..
– Những trường hợp hen ác tính, các cơn hen thường liên tiếp xảy ra hàng ngày, có dấu hiệu nặng hơn về chiều và đêm. Trẻ bị mắc bệnh hen thường khó thở, không sốt, không lây. Bệnh hen tiến triển rất thất thường. Nếu bệnh được phát hiện sớm và được điều trị dự phòng hiệu quả thì sẽ làm giảm đáng kể tần suất hen khi lớn, nhất là các thể hen nặng.
Điều trị:
– Khi trẻ lên cơn hen cấp thì phải đưa trẻ ra chỗ thoáng, không khí trong lành; cho uống nhiều nước hoặc hít hơi nước để làm đờm loãng ra sẽ dễ thở hơn
– Nếu trẻ lên cơn hen nhẹ, dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như: Ventolin, Atrovent, Bricanyl,… Các loại thuốc này có thể dùng ở dạng khí dung, bình xịt định liều, thuốc dạng viên hoặc siro. Liều lượng thuốc dùng tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ, nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cơn hen nặng phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Để phòng bệnh hen:
– Nên tránh những yếu tố làm khởi phát cơn hen như: bắt đầu ngay từ trong phòng ngủ của trẻ, không dùng thảm; không nuôi súc vật; các bậc phụ huynh không hút thuốc lá trong nhà; không cho trẻ dùng các đồ chơi làm từ bông, lông, sợi; vệ sinh chăn nệm và phòng ở thường xuyên; hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm công nghiệp có các chất bảo quản; hàng năm nên cho trẻ tiêm phòng cúm. Đối với những trẻ bị hen do khí hậu, nếu có thể thì chuyển trẻ đến nơi ở có môi trường khí hậu trong lành hơn.